Bệnh giang mai là gì?

Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra.

Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể mắc bệnh giang mai.


Tôi có thể mắc bệnh giang mai như thế nào?


Quý vị có thể mắc bệnh giang mai thông qua:
• chạm vào vết loét hoặc chỗ phát ban giang mai của người khác ngay cả khi vết loét hoặc chỗ phát ban này khó nhìn thấy
• quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn mà không dùng bao cao su.
• tiếp xúc với máu bị nhiễm khuẩn
• phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh giang mai cho con của mình

Bệnh giang mai và trẻ sơ sinh (giang mai bẩm sinh)


Phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh giang mai cho con mình qua đường máu. Đôi khi, em bé khi sinh ra có thể đã chết hoặc bị tổn thương. Đây được gọi là giang mai bẩm sinh và hiếm gặp ở Úc.
Trẻ sơ sinh thường được sinh ra mà không có các triệu chứng của bệnh giang mai, nhưng các bé có thể bị bệnh rất nặng.

Làm thế nào để biết tôi đã mắc bệnh giang mai?


Bệnh giang mai thường không có triệu chứng, vì vậy những người mắc bệnh giang mai có thể cảm thấy khỏe mạnh. Chỉ có xét nghiệm máu mới có thể cho quý vị biết liệu quý vị có bị bệnh giang mai hay không.

Phụ nữ nên làm xét nghiệm giang mai trong 12 tuần đầu của thai kỳ hoặc trong lần thăm khám bác sĩ đầu tiên. Một số phụ nữ có thể được xét nghiệm lại giang mai ở giai đoạn sau của thai kỳ.

Tôi phải làm gì nếu mắc bệnh giang mai?


• Ngừng quan hệ tình dục, ngay cả với bao cao su, cho đến khi quý vị đã điều trị xong bệnh giang mai.
• Nếu quý vị mắc bệnh giang mai, hãy nói với (các) bạn tình của quý vị để họ đi xét nghiệm.
Bác sĩ của quý vị sẽ giúp quý vị quyết định xem cần cho ai biết quý vị bị bệnh giang mai và có thể giúp quý vị nói với họ.

Bệnh giang mai có thể được điều trị hoặc chữa khỏi không?


• Có, bệnh giang mai có thể được điều trị hoặc chữa khỏi bằng một đợt tiêm. Thời gian điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh giang mai. Hãy chắc chắn rằng quý vị đi đến tất cả các cuộc hẹn của bác sĩ.
• Sau khi điều trị xong bệnh giang mai, quý vị phải làm một xét nghiệm khác để chắc chắn rằng quý vị đã được chữa khỏi.
• Phụ nữ có thể điều trị bệnh giang mai sớm trong thai kỳ để ngăn em bé bị bệnh giang mai.
• Quý vị có thể bị bệnh giang mai trở lại ngay cả khi quý vị đã được chữa khỏi bệnh giang mai trong quá khứ.

Làm thế nào để tôi bảo vệ bản thân khỏi bị bệnh giang mai?


• Xét nghiệm bệnh giang mai cho bản thân và bạn tình. Hãy xét nghiệm thường xuyên nếu quý vị có nhiều hơn một bạn tình hoặc bạn tình của quý vị có quan hệ tình dục với người khác. Quý vị càng có nhiều bạn tình thì nguy cơ mắc bệnh giang mai càng cao.
• Điều trị bệnh của quý vị và bạn tình để không tiếp tục lây bệnh giang mai cho nhau hoặc cho những người khác.
• Sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng, ngay cả với bạn tình lâu năm của quý vị nếu quý vị cũng có quan hệ tình dục với người khác.
• Nói chuyện với các bạn tình mới về việc sử dụng bao cao su trước khi quý vị quan hệ tình dục với họ
• Không quan hệ tình dục, ngay cả khi sử dụng bao cao su, với người bị giang mai cho đến khi họ điều trị xong.

Làm thế nào để tôi chắc chắn rằng mình không lây bệnh giang mai cho người khác?


• Không quan hệ tình dục với bất kỳ ai, kể cả khi dùng bao cao su, cho đến khi quý vị điều trị xong.
• Xét nghiệm bệnh giang mai thường xuyên nếu quý vị có nhiều hơn một bạn tình hoặc bạn tình của quý vị có quan hệ tình dục với người khác. Quý vị có thể mắc bệnh giang mai trở lại.

Tôi có thể nhận trợ giúp và tư vấn ở đâu?


Quý vị có thể nhận trợ giúp từ:
• bác sĩ
• phòng khám sức khoẻ tình dục
• dịch vụ sức khoẻ cộng đồng
• các trung tâm kế hoạch hoá gia đình

Thêm thông tin