HIV là gì?
HIV là tên của một loại vi rút và căn bệnh do nó gây ra.
H = (Human) người– người mắc phải virus
I = (Immunodeficiency) Suy giảm miễn dịch – virus này tấn công hệ thống miễn nhiễm của bạn
V = Virus – một loại siêu vi trùng làm cho bạn bị bệnh
Tôi bị nhiễm HIV như thế nào?
Chỉ nhìn bề ngoài, bạn không thể biết người nào bị nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV thường cảm thấy khỏe mạnh.
Virus HIV sống trong máu và các dịch từ cơ quan sinh dục và trong sữa mẹ. Bạn bị nhiễm HIV nếu một trong những thứ này đi vào máu của bạn. Các cách thông thường bị lây nhiễm HIV là do:
- không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục
- dùng chung kim tiêm, ống tiêm hay muỗng (thìa) khi tiêm chích ma túy,
- không khử trùng dụng cụ khi xăm da, xỏ khuyên hay làm nghi lễ trên thân thể
- sữa mẹ
- tiếp xúc trực tiếp từ máu người này sang máu người khác ví dụ như truyền máu hay thực hiện việc ghép một bộ phận của cơ thể tại các quốc gia không xét nghiệm HIV trước khi thực hiện các công việc này. Truyền máu và ghép các bộ phận cơ thể ở nước Úc thì được an toàn khi tất cả các quy tắc được tuân theo.
Bạn không thể bị HIV qua việc:
- ôm
- hắt hơi hay ho
- ăn uống chung
- ăn thức ăn do người bị HIV làm
- truyền máu, hay các thủ thuật y khoa khác tại Úc
- sử dụng chung buồng tắm hay nhà vệ sinh với một người bị HIV
- bị côn trùng hay súc vật cắn
- tiếp xúc hàng ngày với người bị HIV
- sử dụng hồ bơi hay phòng tập thể dục
Virus HIV gây hại như thế nào cho cơ thể tôi?
HIV tấn công hệ thống miễn dịch của bạn. Hệ thống miễn dịch của bạn chống lại các nhiễm trùng và bảo vệ bạn khỏi bị bệnh. HIV làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu và không thể bảo vệ cho bạn được nữa. Nếu bạn không dùng thuốc để chữa HIV, bạn có thể sẽ ốm nặng.
Có phải HIV và AIDS là một?
Không.
HIV là một loại virus giết chết các tế bào miễn dịch trong cơ thể.
AIDS không phải là virus. AIDS là các căn bệnh hiếm, tấn công cơ thể khi hệ thống miễn dịch của bạn rất yếu. Điều này chỉ xảy ra sau khi virus HIV đã giết gần hết các tế bào miễn dịch của bạn. Quá trình này có thể mất nhiều năm trời.
AIDS hiếm khi xẩy ra ở Úc vì thuốc men có thể ngừa được bệnh này. Ở Úc bị nhiễm HIV không có nghĩa là bạn sẽ bị chết vì bệnh AIDS.
Làm sao biết được tôi bị nhiễm HIV?
Cách duy nhất để biết bạn có bị nhiễm HIV hay không là thử máu.
- Nếu kết quả “âm tính”, bạn không bị nhiễm HIV
- Nếu kết quả “dương tính”, bạn đã bị nhiễm HIV.
Nhiều người không biết là họ bị nhiễm HIV vì họ cảm thấy mạnh khoẻ. Tuy nhiên, khi mới bị nhiễm HIV bạn có thể bị:
- nhức đầu
- sốt
- mệt mỏi
- các tuyến hạch bị sưng
- đau cổ họng
- da nổi mẩn
- đau bắp thịt và đau khớp
- lở loét trong miệng
- lở loét ở bộ phận sinh dục
- đổ mồ hôi vào ban đêm
- tiêu chảy
Nhưng những dấu hiệu trên cũng có thể do cúm, cảm lạnh nặng hay một bệnh khác gây ra. Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị nhiễm HIV, bạn nên đến gặp một bác sĩ và xin đi xét nghiệm.
Tôi phải làm gì nếu tôi bị nhiễm HIV?
Việc đầu tiên phải làm là nói chuyện với bác sĩ. Họ cũng có thể thu xếp để cho bạn nói chuyện với một người khác ví dụ như một chuyên gia tư vấn nếu bạn muốn.
Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc trị HIV. Các thuốc này sẽ giúp bạn có một cuộc sống lâu dài, và khỏe mạnh.
Có thể điều trị hay chữa khỏi HIV không?
Không thể chữa hết HIV, nhưng thuốc có thể điều trị được HIV.
Thuốc giúp giảm lượng virus trong máu xuống tới mức thấp đến nỗi không thể nhìn thấy được ngay cả khi dùng kính hiển vi và được gọi là ” lượng virus không thể phát hiện được”. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không bị bịnh vì HIV và sẽ sống lâu như bình thường. Nếu bạn tiếp tục uống thuốc đúng cách thì cũng có nghĩa là bạn sẽ không lây HIV cho người khác.
Làm sao tôi có thể bảo vệ mình không bị nhiễm HIV?
Xét nghiệm và xác định bạn hay người bạn tình của bạn có bị nhiễm HIV hay không: nếu bạn có nhiều bạn tình (hay bạn tình của bạn có quan hệ tình dục với các người khác), bạn nên đi xét nghiệm thường xuyên. Càng có nhiều bạn tình rủi ro bị mắc HIV càng cao.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Xét nghiệm và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Mắc bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm HIV hay truyền bệnh sang cho người khác. Hãy khuyên các bạn tình của bạn đi xét nghiệm và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Hỏi bác sĩ của bạn về thuốc phòng chống bị lây nhiễm (PrEp). PrEp là thuốc giúp bạn không bị lây nhiễm HIV. Thuốc này dùng cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao bị lây nhiễm.
“Nguy cơ cao ” có nghĩa là:
– người có bạn tình bị nhiễm HIV
– người có quan hệ tình dục với nhiều người
– đàn ông làm tình với những người đàn ông khác
– những người không dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục
– những người dùng chung kim tiêm, ống tiêm, nước hay muỗng (thìa) khi chích ma túy
- Chỉ sử dụng các dụng cụ và nước đã khử trùng (sạch sẽ) để tiêm chích: không bao giờ để người khác sử dụng chung dụng cụ của bạn. Chỉ cần những giọt máu nhỏ không nhìn thấy được trong kim tiêm, HIV đã có thể truyền từ người này sang người khác.
- Xăm da và xỏ khuyên trên người: chỉ sử dụng dịch vụ ở những nơi được cấp phép hành nghề vì ở đó kim và các dụng cụ khác được làm sạch đúng cách hay vứt đi sau khi dùng. Cần biết chắc là họ dùng mực mới cho bạn.
- Truyền máu và các thủ thuật y khoa khác: Ở Úc tất cả máu, sản phẩm từ máu và các bộ phận cơ thể đều được xét nghiệm và an toàn. Tuy nhiên máu, các sản phẩm của máu và các bộ phận cơ thể có thể không được an toàn ở các nước khác.
Làm sao tôi có thể chắc chắn là tôi không lây HIV cho người khác?
- Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc uống thuốc điều trị HIV. Thuốc điều trị HIV làm giảm lượng virus trong máu tới một mức rất thấp. Khi lượng virus trong máu rất thấp, bạn không thể truyền vi rút HIV cho người khác. Cách này được gọi là “Chữa trị để phòng ngừa lây nhiễm” (TasP).
- Xét nghiệm thường xuyên: cho Dù bạn đang uống thuốc điều trị HIV, bạn cũng vẫn nên đi xét nghiệm thường xuyên. Có nhiều loại vi rút HIV khác nhau và có khả năng bị nhiễm hơn một loại HIV cùng một lúc. Có thể cần phải đổi thuốc nếu tình trạng này xảy ra.
- Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (STI): Thuốc chữa trị HIV không ngăn ngừa bạn khỏi bị STI. HIV dễ lây truyền (hay dễ bị nhiễm) hơn nếu bạn đang mắc bệnh STI. Đi xét nghiệm thường xuyên các bệnh STI và điều trị nếu có kết quả xét nghiệm STI dương tính. Bạn tình của bạn cũng nên đi xét nghiệm và điều trị.
- dùng bao cao su: dùng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục
- không dùng chung kim tiêm, ống tiêm hay muỗng (thìa) khi tiêm chích ma túy
- Sữa mẹ: Nếu bạn đang uống thuốc điều trị HIV và bạn muốn cho con bú, hãy nói với bác sĩ đang điều trị HIV cho bạn biết.
Tôi có phải nói cho ai biết nếu tôi bị nhiễm HIV hay không?
The luật pháp bạn phải báo:
- bạn tình hay các bạn tình của bạn biết. Ở một vài tiểu bang ở Úc, bạn phải báo cho bạn tình của bạn biết trước khi quan hệ tình dục với họ. Mỗi bang có quy định khác nhau nên bạn cần tìm hiểu trước khi đến đó.
- Quân lực Úc. Bạn không thể gia nhập Quân lực Úc nếu bạn bị nhiễm HIV.
- Nếu bạn là một phi công
- Nếu bạn mua một loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế hay du lịch.
- Nếu bạn muốn hiến máu hay hiến một bộ phận của cơ thể như thận. Bạn không thể hiến máu hay cho các bộ phận cơ thể nếu bạn bị nhiễm HIV.
Bạn không cần phải báo cho:
- cấp trên của bạn,
- bạn đồng nghiệp
- các bạn chung phòng
- gia đình
- chủ nhà
- thầy cô giáo
- bạn học cùng lớp
- bạn bè.
Những người bạn nên báo là:
- bác sĩ của bạn để họ có thể cho bạn xét nghiệm và kê toa
- tư vấn viên hay những người khác thuộc nhóm chăm sóc về HIV cho bạn để họ có thể giúp đỡ bạn.
Tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và lời khuyên ở đâu?
Ở Úc có nhiều nhóm HIV sẵn lòng cho bạn lời khuyên và giúp đỡ bạn.